Tiểu phẩm trào phúng Tết: Nhà Sử Học
Hoàng Hữu Phước
Tại một nước văn minh nọ có đời sống văn hóa rất đặc trưng: thiên hạ có gì, ta có nấy, và trên cơ sở đó có tất tần tật mọi thứ, từ vật chất hữu hình mà dân Ăng-lê gọi là tangible cho đến thứ không động chạm sờ mó gì được mà tiếng Mỹ gọi là intangible. Và cứ thế mà cái nước gọi là “nọ” ấy có trí thức, nhân sĩ, nhà khoa học, nhà sử học, v.v., dù người dân chớ biết ở nước họ ai là nhà khoa học, ai là nhà trí thức, ai là nhân sĩ, v.v. , thế nào là nhà khoa học, thế nào là nhà trí thức, thế nào là nhân sĩ, v.v, vì chưa hề có các danh sách liệt kê thống kê các vị này để truyền lưu sử sách lưu truyền hậu thế.
Và thế là phát sinh tự do ở tất cả các giai tầng.
Báo chí tự do viết “các nhà khoa học cho rằng…”
Nhà nước “đưa trí thức trẻ về các địa phương vùng sâu vùng xa…”
Ai khoái đem tên hùn hạp vào ý kiến của một cá nhân để thành bầy thành đàn thành đám thành nhóm thành nhúm gọi tắt là bầy đàn thì tự xưng “nhân sĩ”.
Cá nhân nào không muốn và không thể học lên cao hơn thì cứ gắn chữ “nhà” vào cho oách như có kẻ tự xưng là “nhà sử học”.
Trước cái oái oăm ấy, có kẻ sĩ nọ thay vì ngữa mặt lên trời mà hét to một tiếng làm lạnh cả bầu trời như Không Lộ Thiền Sư, lại châm biếm châm chọc châm chích trào phúng trào lộng trào dâng cười to thẳng tắp thẳng thừng thẳng ngay vào mặt nhân gian mà tự gọi tự trào là “nhà đủ-thứ-học học” mà tiếng Ăng-lê mới toanh vừa sáng chế gọi là “potaya” tức là “bó tay giời ạ!”.
Câu truyện sau đây là về một người “nhà” ở cái nước gọi là “nọ” ấy. Thiết tưởng do thiên hạ ai cũng sính xài đồ Mỹ, từ việc rêu rao vi phạm nhân quyền đến rao giảng xã hội dân sự , nên trong truyện cũng chơi kiểu Mỹ qua lời chua ở trang thứ nhì trong bản in đóng bìa da cứng nạp lưu chiểu tại Thư Viện Quốc Hội Hoa Kỳ rằng: “tác phẩm này là thuần túy fictional tức tưởng tượng tức không có thiệt và mọi sự trùng hợp với sự việc hay con người có thật là hoàn toàn ngẫu nhiên coincidental” để khỏi bị ai đó vu khống rằng nó không phải sản phẩm của trí tưởng tượng. Truyện rằng:
Nguyên ngày xửa ngày xưa cách nay vài ngàn năm ánh sáng, tại nơi gọi là “nọ” ấy có một người tự xưng là “nhà sử học”. Do không rõ về ngôn ngữ tiếng mẹ đẻ nên ít đọc sách và tại vì như thế mà tri thức hầu như vườn không nhà trống như bị trúng đòn chiến thuật tiêu thổ kháng chiến vậy.
Có dạo anh ta bảo nước anh ta là “ốc đảo” nếu không có luật tỏ tình, vì anh ta tưởng ốc đảo và hoang đảo là một, dù anh ta nói đúng ở chỗ chỉ có ở đảo hoang thì ông A-dong trần như nhộng mới không nhất thiết phải tỏ tình vì chẳng có đối thủ cạnh tranh nào bu quanh bà Ê-và thiếu vải cả.
Có lần anh ta hí ha hí hởn hí hửng hí hước khoe với mọi người rằng anh ta là một trong hai người duy nhất đã bỏ phiếu “trắng” khi cả tập thể gần 500 vị trong quốc hội của cái nước gọi là “nọ” ấy bỏ phiếu thông qua đạo luật gốc cơ bản gì đó, cái mà nước khác ở hành tinh này hay hành tinh khác ở thái dương hệ này hay thái dương hệ khác gọi là “hiến pháp”. Chả là anh ta không biết hóa ra mình đã dại dột gào to cho thiên hạ biết rằng:
1) ta đây là nhà sử học, có chân trong ban biên soạn dự thảo đạo luật cơ bản ấy rất nhiều năm qua thế mà cho đến ngày trọng đại bấm nút thông qua vẫn không có tài hùng biện và kiến thức cùng bản lĩnh để thuyết phục thành công toàn ban biên soạn chấp thuận “một” ý kiến của anh ta đối với “một” điểm nào đó trong dự thảo mà anh ta còn…chưa được yên tâm lắm;
2) ta đây là nhà sử học, tức là cùng gia đình với các vị tài ba lỗi lạc được đặc quyền sử dụng chữ “nhà”, vậy mà không biết rằng dự thảo có hàng trăm chi tiết về hàng trăm vấn đề cực kỳ quan trọng, thế mà chỉ vì một điểm chưa được yên tâm (chứ không phải điểm ấy sai) mà gạt bỏ toàn bộ hàng trăm điều khác mà bản thân đã chấp thuận trước đó;
3) ta đây là nhà sử học, tức là cùng gia đình với các vị tài ba lỗi lạc được đặc quyền sử dụng chữ “nhà”, vậy mà không biết rằng trong bất kỳ đất nước văn minh tự do dân chủ tiến bộ hiện đại nào, tất cả đều hoạt động trên cơ sở thiểu số phục tùng đa số, nghĩa là dù ngay cả có bỏ phiếu trắng hay có còn…một thoáng lo âu đi nữa thì vẫn phải nghiêm túc tuân thủ và nghiêm túc thực hiện tất cả nội dung của đạo luật gốc cơ bản đã được thông qua ấy – trong đó có cả điều mà anh ta còn “chưa được yên tâm lắm”;
4) ta đây là nhà sử học, tức là cùng gia đình với các vị tài ba lỗi lạc được đặc quyền sử dụng chữ “nhà”, vậy mà không biết rằng Sử chỉ xem trọng ý chí tập thể thí dụ như của Hội Nghị gì đó mang tên hình như là Diên Hồng ở cái nước hình như gọi là Việt Nam chứ xem một hai đại biểu quốc hội của nước ấy có ý kiến khác biệt kiểu Trần Ích Tắc hay Lê Chiêu Thống nào có ra chi dù hai vị này là gia đình hoàng tộc chứ nào phải con đỏ dân đen.
Nói đi thì phải nói lại.
Anh ta làm những việc càn quấy như thế có thể do nguyên nhân bịnh lý hoang tưởng hoang đường hoang dại và hoang…đảo.
Song, tự nhận mình bất tài vô dụng (có mồm loa có mép dãi thế mà không thể thuyết phục được bất kỳ ai trong ngần ấy năm tham gia cúc cung tận tụy miệt mài soạn thảo đạo luật gốc cơ bản), đó là cái dũng.
Hét cho nhân gian biết mình là thiểu số thấp tệ hại kỷ lục toàn thiên hà, với ngụ ý “hỡi đa số, hãy nhìn xem ta biết thân biết phận phục tùng đa số và răm rắp thực hiện theo bài bản đã được đa số biểu quyết thông qua”, ấy là cái trí nhằm lấy lòng tuyệt đại đa số nhân dân được đại diện bởi gần 500 đại biểu và tạo cảm thương nơi một vài người dân có ý giống như anh ta mà chính anh ta nằng nặc đòi làm đại diện.
Tuy bảng điện tử cho thấy có hai phiếu trắng và tin tức đã bay đi đến tận Thổ Tinh và Hải Vương Tinh, anh ta vẫn sợ có hành tinh nào đó sắp chui vào lổ đen không được cập nhật kịp thời nên anh đã tận tụy làm cái việc công khai minh bạch ngay lập tức việc chính anh đã bỏ phiếu trắng ấy, và đó là cái tâm, dù nhiều khóa trước cũng làm đại biểu quốc hội song anh ta chưa hề dám công khai minh bạch một trường hợp nhũng nhiễu dân lành nào cả.
Than ôi, người bỏ phiếu trắng mà có cái dũng uy hùng đến dường ấy, cái trí cao vời vợi đến đến dường ấy, cái tâm bự chà bá đến dường ấy, thì ắt người bỏ phiếu thuận còn có cái dũng cái trí cái tâm bự khủng đến dường nào! Quân thù mà kéo đến biên giới, chỉ cần đẩy anh ta ra đứng như phỗng thôi là đã đủ làm chúng phải ngữa mặt lên trời mà than rằng “ôi cái nước này sao mà ngay kẻ có trình độ thấp kém không thể được gọi là sử gia lại có được cái dũng cái trí cái tâm dến dường ấy thì sao mà đánh bại được do người dân cao quý hơn y cả vạn lần; thôi thì phải rút hết quân kéo hết pháo về, sai đại sứ đặc mệnh toàn quyền sang cầu mong giao hảo hiếu hòa vậy”, và nhờ thế tránh được họa binh đao, thiên hạ thái bình, vui cảnh thái hòa, đời đời an lạc.
Thế mới biết người bất tài không thể hùng biện, người thua cuộc phải ngồi chiếu dưới dành cho cực thiểu số, vẫn có thể qua việc đơn giản ủng hộ tỏ tình, giả ngây nói sai từ ngữ ốc với hoang, và giả nai để hớn hở khoe phiếu trắng, mà cũng khiến vũ trụ rộn tiếng hoan ca.
Ô hô, lành thay, thật lành thay vậy.
Hoàng Hữu Phước, Thạc-sĩ Kinh-doanh Quốc-tế