Thứ Bảy, 17 tháng 10, 2015

CÂU CHUYỆN VỀ "TỂ TƯỚNG" TRẦN KIÊN (st)

Ông dân Quảng Ngãi, huyện Tư Nghĩa. Cả đời trai trẻ của ông gắn liền với cuộc chiến đấu ở miền Trung và Tây Nguyên. Sau khi đất nước thống nhất, ông làm bí thư tỉnh ủy một loạt tỉnh Quảng Ngãi, Nghĩa Bình, Gia Lai, Kontum, Đắc Lắc và mấy năm làm bộ trưởng Bộ Lâm nghiệp. Tại Đại hội VI lịch sử, ông được bầu vào Ban bí thư Trung ương Đảng và giữ chức vụ chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra trung ương.

Khi hết nhiệm kỳ Đại hội VI, mặc dù được nhiều người tín nhiệm, ông kiên quyết xin nghỉ vì tuổi đã cao.

…Ngay sau khi nghỉ hưu, Bí thư Trung ương Đảng Trần Kiên đã trả lại cho Nhà nước ngôi biệt thự ở khu Trung Tự (Hà Nội), trả lại hết mọi chế độ ưu đãi dành cho cán bộ lãnh đạo cấp cao. Ông xin trung ương được trở về quê hương Quảng Ngãi sinh sống. “Gia tài của cả một đời làm cán bộ theo ông về quê tất tật gồm cả giường tủ, sách vở, lọ tương cà mắm muối chất chưa đầy một chiếc xe chở hàng nhỏ. Trong đó, giá trị nhất có lẽ là chiếc xe đạp được phân phối từ thời bao cấp”.

Ông Dương Quang Phái (vụ trưởng, Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng) nhớ lại: “Lúc đó, đồng chí Nguyễn Thanh Bình, thường trực Ban bí thư, đã giao cho Văn phòng Trung ương, Ban Tài chính quản trị trung ương và Tỉnh ủy Quảng Ngãi phải lo việc xây dựng nhà ở cho đồng chí Trần Kiên tại Quảng Ngãi. Nhưng đồng chí Trần Kiên đã xin phép trung ương là không chấp hành quyết định này vì ngân sách nhà nước còn hạn hẹp, còn nhiều đồng chí, đồng bào đang gặp khó khăn. Ông nói số tiền đó nên dùng vào việc chung thì có ích lợi hơn. Đồng chí Trần Kiên chỉ xin địa phương một mảnh đất nhỏ, rồi dùng tiền tiết kiệm của hai vợ chồng để xây dựng nhà ở mà không đòi hỏi một thứ quyền lợi nào khác”.

Gọi là nghỉ hưu nhưng thật ra ông chưa bao giờ ngừng công tác. Với chiếc xe đạp cọc cạch, cựu bí thư Trung ương Đảng Trần Kiên vẫn có mặt đây đó trên các huyện miền núi, đến với đồng bào những vùng nghèo khó nhất để sau đó cùng tỉnh ủy bàn cách xóa đói giảm nghèo cho bà con.

Khi Thủ tướng Phạm Văn Đồng về thăm Quảng Ngãi, thấy ông Trần Kiên đi xe đạp, Thủ tướng đã đề nghị trung ương cấp cho ông một chiếc xe hơi. Nhưng ông từ chối, xin được đi xe đạp để gần dân hơn, thấu hiểu dân chúng hơn. Ông Nguyễn Tiến Năng, nguyên trợ lý của Thủ tướng Phạm Văn Đồng, kể: “Người ta thường thấy một ông già ăn bận như một lão nông với chiếc xe đạp cà tàng cùng mo cơm, khi thì lên Ba Tơ, lúc lại đến Trà Bồng, Sơn Hà… Ông ở lại hàng tuần lễ để khảo sát và bàn với anh em địa phương những biện pháp giúp dân làm ăn. Thậm chí ông bớt đi một phần tiền lương hưu của mình để mua cây giống, phân bón… giúp đồng bào. Khi chúng tôi đến thăm, thấy ông sống trong một căn nhà cấp 4 ở hẻm nhỏ thuộc thị xã Quảng Ngãi, giống như bao căn nhà khác của người dân xung quanh. Căn nhà nhỏ, thấp, chỉ vài chục mét vuông, phòng khách với những tiện nghi hết sức bình thường. Ông sống đạm bạc nhưng luôn lạc quan yêu đời”.

“Tể tướng Trần Kiên” (nhiều người gọi ông như vậy) từ chối mọi ưu đãi mà một cán bộ lãnh đạo cấp cao có quyền được hưởng, thậm chí từ chối mọi sự “hỗ trợ” mà ông cho là không đúng. “Trong năm năm công tác tại văn phòng Tỉnh ủy Quảng Ngãi, mỗi lần đến căn nhà nhỏ, đơn sơ của chú Kiên, tôi lại chạnh lòng nghĩ sao mà chú sống đơn giản và thiếu thốn cả những tiện nghi tối thiểu. Một lần, được sự đồng ý của thường trực tỉnh ủy, chúng tôi mang đến “trang bị” cho chú một tủ lạnh và một máy giặt. Chú đồng ý nhận một cách rất vui vẻ… Nhưng không ngờ độ mười ngày sau, chú đi xe ôm đến cơ quan tìm gặp tôi và đưa cho tôi một bọc tiền. Chú nói hôm trước các cháu mua hộ cho chú, chú rất ưng ý, hôm nay đến hạn rút tiền tiết kiệm, chú gửi lại tiền để cháu trả lại cơ quan”. Bà Trần Thị Mộng Nam đã không bao giờ quên chuyện này mỗi khi nghĩ về ông.

Ông đã dành phần lớn tiền lương và tiền tiết kiệm của mình để mua cây giống, rồi đưa lên Tây Nguyên giúp đồng bào thiểu số, hướng dẫn bà con cách trồng những giống cây mới. “Chiếc xe đạp cũ kỹ chở gạo, muối, cây giống lại theo ông ra bến xe. Có lần vì tuổi già và vì chở quá nặng, ông té ngã nằm dọc đường. Ông còn thuê cả xe tải chở cây giống lên giúp đồng bào. Chuyện kể rằng có lần do đêm quá khuya, nhỡ dọc đường, ông bảo lái xe cho đỗ cạnh nhà khách một cơ quan lớn. Ông vào nhà khách mượn manh chiếu cũ, rồi trải xuống thềm ngủ một giấc ngon lành. Khi những người trong nhà khách và các đồng chí tỉnh ủy phát hiện ra đó chính là cựu bí thư Trung ương Đảng thì ông đã đi rồi…”.


Ông sống như thế cho đến khi từ giã cõi đời, vào năm 2004. Trước khi mất, ông đã có dịp quay trở lại Hà Nội. Và trên chuyến xe trở về phương Nam, một người bạn đồng hành đã hỏi: “Anh sống như thế sau này có sợ người ta chê cười là dại không?”. Cựu bí thư Trần Kiên cười nói: “Ngay trong lúc này đã có người chê trách mình rồi đấy. Trong dịp ra Hà Nội lần này (năm 2003), mình có đến thăm ông bạn cùng thời. Ông ấy đang sống trong một cơ ngơi đàng hoàng mà ai thấy cũng phải thèm muốn. Ông bạn ấy bảo mình dại, vì nếu mình không trả cái nhà ở khu biệt thự Trung Tự thì bây giờ đã có hàng ngàn cây vàng. Hiện nay không ít vị được cấp cơ ngơi lên tới hàng ngàn mét vuông đất, mà mỗi mét vuông không dưới chục cây. Mình bảo: anh nói đúng, tôi quả là người dại tiền thật đấy, bởi vì nếu có trong tay hàng ngàn cây vàng tôi cũng chẳng biết làm gì. Nhưng chỉ với một mảnh vườn nhỏ và một ngôi nhà cấp 4 ở cái thị xã Quảng Ngãi bé nhỏ nhất nước này, tôi cảm thấy đầy đủ hơn bao đồng chí cùng thời và trước tôi. Anh thấy đấy, hiện nay có bao đồng chí, kể cả những đồng chí vào Đảng thời 1930-1935, vẫn phải sống với mảnh vườn tự tậu xác xơ, cũng chỉ được cấp 50 triệu đồng, có lẽ chỉ vừa đủ tu sửa ngôi nhà cấp 4 xiêu vẹo khỏi quị sụp, bảo đảm đứng được mà không cúi đầu trước sức mạnh của bão tố”.
====
Có lẽ, câu chuyện đồng chí Trần Kiên đã làm chúng ta cảm thấy nhẹ lòng biết bao trước phẩm chất của một người cộng sản chân chính... Nhưng cũng nhói lòng biết bao khi vẫn còn những người đang đánh cắp lòng tin của đồng chí đồng bào...
=====
Ảnh: đồng chí Trần Kiên (áo trắng ngồi giữa) với đồng bào K'Tu






(Nguồn: Facebook Hùng Ngô Mạnh)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét