(29/07/2012)
Bốn mươi năm đã trôi qua, nhưng âm vang và ý nghĩa lịch sử trận Rạch Gò vẫn luôn luôn sống trong ký ức các thế hệ quân dân trên quê hương Sóc Trăng anh hùng.
Các đại biểu tham gia lễ kỷ niệm
Năm 1971, cùng với toàn miền, đồng bào, cán bộ, chiến sỹ các LLVT Sóc Trăng đã anh dũng kiên cường, tập trung sức lực và trí tuệ giáng cho quân xâm lược Mỹ và bè lũ tay sai những đòn choáng váng, củng cố niềm tin của quần chúng nhân dân vào thắng lợi tất yếu của sự nghiệp cách mạng.
Bước vào đầu năm 1972, ở tiểu khu Ba Xuyên, địch tăng cường quy mô bắt lính đôn quân, mở rộng đồn bót, ra sức xiết chặt hệ thống kềm kẹp đối với nhân dân trong vùng chúng kiểm soát nhằm đối phó lại các hoạt động của ta. Chúng ráo riết triển khai kế hoạch “Tứ niên cộng đồng phát triển địa phương” với âm mưu tập trung xây dựng lực lượng bảo an, dân vệ, phòng vệ dân sự, củng cố bộ máy tề xã, ấp vững chắc làm công cụ bạo lực cho kế hoạch bình định, càn quét, triệt phá hạ tầng cơ sở cách mạng, hòng triệt tiêu hoàn toàn các lực lượng của ta.
Ngay từ đầu năm, địch đã ồ ạt triển khai chiến lược “Khai quang” bằng các tên gọi “Đại phong”, “Đồng khởi”, “Sao hôm”, tập trung lực lượng càn quét, triệt phá địa hình các nơi trong tỉnh như rừng lá thuộc các xã Gia Hoà, Thạnh Phú, Mỹ Qưới ở huyện Mỹ Xuyên, rừng tràm ở Mỹ Phước. Chúng tăng cường bắt lính, vơ vét lúa gạo, tài sản, tiền bạc… Ở vùng kềm, vùng ven thị xã, thị trấn địch liên tục thực hiện những cuộc càn quét, đóng đồn bót dày đặc nhằm đàn áp, uy hiếp phong trào cách mạng và ngăn chặn ta xây dựng, phát triển lực lượng ở địa bàn.
Để đối phó kịp thời với những âm mưu, thủ đoạn mới của địch, tháng 1/1972, Ban chấp hành Tỉnh ủy tổ chức Hội nghị mở rộng, triển khai quán triệt Chỉ thị số 13 của trung ương Cục, Nghị quyết 26 của Khu ủy. Hội nghị đã nghiêm túc đánh giá, kiểm điểm những thành công, hạn chế của năm 1971 và xác định phương hướng nhiệm vụ của tỉnh năm 1972. Tỉnh ủy chủ trương:
“Động viên nỗ lực vượt bậc, Đảng bộ, quân dân trong tỉnh phát huy cao độ thành quả đã đạt được, khẩn trương, quyết tâm khắc phục khó khăn, nhược điểm còn tồn tại. Tranh thủ thời cơ thuận lợi, đẩy mạnh “ Ba mũi giáp công” với tư tưởng tiến công, tinh thần tự lực tự cường, quyết chiến quyết thắng. Kịp thời chuyển cao trào tiến công và nổi dậy đồng loạt, đánh cho ngụy quân, ngụy quyền sụp đổ một bước mới, giành thắng lợi lớn nhất nhằm làm thất bại cơ bản kế hoạch bình định, chiến lược “ Việt nam hoá chiến tranh” của địch… Trên cơ sở đó, làm cơ sở so sánh tương quan lực lượng giữa ta và địch một cách rõ nét, nhất là ở vùng nông thôn, vùng kềm mới, tạo bước chuyển biến cơ bản trên chiến trường trong tỉnh”.
Ngày 8/3/1972, tại Sóc Trăng, địch mở chiến dịch “Đại phong” nhằm triệt phá các khu căn cứ của ta. Tại rừng tràm Mỹ Phước, địch sử dụng 5 Tiểu đoàn của 2 sư: 9 và 21, quân số trên 2.000 tên, 20 pháo 105 ly kết hợp máy bay ném bom hạng nặng tấn công cơ quan đầu não kháng chiến của tỉnh. Chúng dùng vũ lực bắt hàng ngàn dân tập trung về đây để chặt phá, thực hiện khai quang rừng tràm .
Trước tình hình đó, thực hiện NQ của Tỉnh uỷ, đồng thời để chia lửa với Mỹ Phước, phân tán lực lượng địch ra nhiều hướng. Tỉnh uỷ triển khai lực lượng đánh địch trên các trọng điểm gồm: Hồng Dân Phước Long; Mỹ Xuyên, Châu Thành, Vĩnh Châu. Riêng ở vùng trọng điểm Mỹ Xuyên, Tỉnh uỷ phân công đồng chí Ngô Văn Tảo (Năm Nhẫn) Uỷ viên Thường vụ Tỉnh uỷ, Tỉnh đội trưởng trực tiếp chỉ huy. Nghiên cứu tình hình bố trí lực lượng địch trên địa bàn Mỹ Xuyên, Tỉnh đội quyết định lấy Phân chi khu Rạch Gò thuộc Liên đội 87 ngụy do tên đại uý Đốt chỉ huy làm mục tiêu tấn công, mở màn cho chiến dịch. Vì đây là Ban chỉ huy của Liên đội 87, có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, là trung tâm chỉ huy và điều hành toàn bộ hệ thống đồn bót trong khu vực Hoà Tú và Gia Hoà, nếu ta tiêu diệt được phân chi khu này, buộc địch phải tăng cường lưc lượng để cứu viện, đồng thời chiến thắng Rạch Gò càng tạo điều kiện để quân và dân huyện Mỹ Xuyên nổi dậy bức rút đồn bót địch, phá ấp phá kềm, giải phóng nông thôn.
Sau 1 tuần trinh sát nắm tình hình, nhận thấy về phía địch bố trí phòng thủ kiên cố, ở tứ giác có 4 lô cốt, Sở chỉ huy Liên đội ở ngay lô cốt số 1, khu tam giác gồm 3 lô cốt có Ban chỉ huy đại đội bảo an, ngoài ra còn có bọn Hội đồng xã, cảnh sát, bình định. Tổng số lực lượng khoảng trên dưới 200 tên, được trang bị 1 khẩu cối 81, 1 khẩu 12,7 ly, 2 khẩu đại liên . Về vật cản, xung quanh phân chi khu địch bố trí 3 hàng rào thép gai và mìn chống bộ binh, riêng phía nam giáp sông Nhu Gia địch không bố trí hàng rào vì luôn có 2 chiếc tàu tuần tiễu có trang bị súng máy 12,7 ly, hoạt động liên tục. Căn cứ vào mục tiêu, đối tượng tác chiến và khả năng của ta, lực lượng tổng cộng khoảng 50 đồng chí, trang bị 2 khẩu B40, tiểu liên và thủ pháo. Do vậy Ban chỉ huy tỉnh đội quyết định chỉ dùng cách đánh đặc công, bí mật luồn sâu tiếp cận mục tiêu, bất ngờ nổ súng tiêu diệt địch mới giành được thắng lợi. Sau khi nghiên cứu, Ban chỉ huy Tỉnh đội quyết định giao nhiệm vụ cho tiểu đoàn Phú Lợi do đồng chí Trần Công Luận (tên thường gọi là Tư Minh) tiểu đoàn trưởng trực tiếp chỉ huy, lực lượng tham gia gồm đại đội 71, được tăng cường 4 đồng chí trinh sát tỉnh do đồng chí Năm Tường, đại đội trưởng chỉ huy, đây là mũi chủ công có nhiệm vụ mở màn trận đánh tiêu diệt khu tứ giác và sở chỉ huy Liên đội 87. Đại đội 74 do đồng chí Chương đại đội trưởng chỉ huy, có nhiệm vụ tiêu diệt đại đội bảo an ở khu tam giác, ngoài lực lượng của tiểu đoàn, tỉnh tăng cường đại đội 603 đặc công có nhiệm vụ lợi dụng sông Nhu Gia, bí mật cơ động , bố trí lực lượng phía nam phân chi khu sẵn sàng đánh địch chi viên bằng đường sông lên phân chi khu. Ngoài ra, Tỉnh đội bố trí một bộ phận của c76 trang bị B40 và phi lôi tiễn bố trí cách phân chi khu 500 mét về phía nam, sẵn sàng đánh 2 chiếc tàu tuần tiễu của địch. Phương án chiến đấu do đồng chí Năm Nhẫn trực tiếp thông qua và được Khu chấp nhận. Sau khi thông qua Khu, đồng chí Năm Nhẫn chỉ đạo đồng chí Tư Minh trực tiếp tổ chức trinh sát lần cuối, giao nhiệm vụ, mục tiêu cụ thể cho các đơn vị, hạ quyết tâm chiến đấu.
20 giờ 30 ngày 06/04/1972, mệnh lệnh hành quân được phát ra, toàn bộ tiểu đoàn rời khỏi khu tập kết nhanh chóng, bí mật hành quân tới khu vực triển khai đội hình chiến đấu. Đêm tối, đồng ruộng vào mùa khô nên việc hành quân của đơn vị tương đối thuận lợi đến 24 giờ các đơn vị và BCH tỉnh đội, tiểu đoàn đã có mặt tại khu vực triển khai đội hình chiến đấu.
Đến 02 giờ ngày 07/4, mũi chủ công do đồng chí Năm Tường đại đội trưởng 71 chỉ huy, đã tiếp cận lô cốt số 1 SCH Liên đội 87, đại đội 74 đã tiếp cận mục tiêu khu tam giác. 03giờ ngày 07/4, các mũi tấn công đã áp sát các mục tiêu quy định. Đúng 04 giờ, khi trăng nhú lên, tại lô cốt số 1, nơi SCH Liên đội 87 đã hoàn toàn sụp đổ sau tiếng nổ của cặp thủ pháo của đồng chí Năm Tường. Sau hiệu lệnh, các mũi của đại đội 71, đại đội 74 nhanh chóng đánh chiếm các mục tiêu khu tứ giác và tam giác. Bị đánh quá bất ngờ, địch không kịp trở tay, 2 tàu tuần tiễu không dám cơ động đến cứu viện. Chỉ trong 10 phút chiến đấu, phân chi khu Rạch Gò bị phá huỷ, toàn bộ BCH liên đội 87 và đại đội bảo an bị tiêu diệt và bắt sống trong đó có tên Thiếu tá Trì thay cho tên Đốt bị tiêu diệt.
Kết quả trận đánh ta tiêu diệt hoàn toàn Ban chỉ huy Liên đội 87, 1 đại đội bảo an, 1 tiểu đội cảnh sát và toàn bộ bọn tề xã, thu trên 200 khẩu súng các loại, trong đó có 1 khẩu 12,7 ly, 1 cối 81 ly, 1 đại liên và nhiều phương tiện thông tin liên lạc. Ta bị thương 1 đồng chí.
Kết thúc trận đánh, các đơn vị phối hợp cùng lực lượng địa phương quân huyện Mỹ Xuyên và dân quân du kích nhanh chóng thu dọn chiến trường, rời khỏi trận địa, sẵn sàng đánh địch tăng viện.
Đúng như nhận định của ta, sau thất bại nặng nề của phân chi khu Rạch Gò, địch củng cố lực lượng, phương tiện, cấp tốc điều tiểu đoàn 408 về tăng viện. Ngày 14/4/1972, sau khi rút từ rừng tràm Mỹ Phước về tăng viện cho Rạch Gò, tiểu đoàn bảo an 408 ngụy tạm dừng tại nghĩa trang Hoà Phuông. BCH Tỉnh đội giao nhiệm vụ cho Tiểu đoàn Phú Lợi và Đại đội 368 vận động tập kích, tiêu diệt địch. Phát huy khí thế chiến thắng Rạch Gò, toàn đơn vị nhanh chóng trinh sát và lên phương án chiến đấu. Đại đội 71 đảm nhiệm mũi chủ yếu đánh chính diện vào đội hình địch, đại đội 74 đánh từ hướng đông nam, đại đội 75 từ tây bắc đánh xuống, đại đội 368 do đồng chí Tư La, đại đội trưởng chỉ huy, từ hướng đông đánh lên. 23 giờ ngày 14/4, các mũi tấn công đã triển khai xong đội hình. Đúng 24 giờ, mũi chủ yếu nổ súng mở màn trận đánh, các mũi tấn công đồng loạt xung phong đánh chiếm mục tiêu. Bị bất ngờ, địch chống cực yếu ớt rồi tháo chạy, sau 15 phút chiến đấu, ta làm chủ hoàn toàn trận địa.
Kết quả, ta diệt gọn Ban chỉ huy tiểu đoàn 408, 1 đại đội bảo an, 2 đại đội khác bị thiệt hại nặng, bắt sống 34 tên, thu hàng trăm súng các loại trong đó có 1 khẩu 12,7 ly. Ta không có thương vong.
Sau thất bại thảm hại của tiểu đoàn 408, tại Sóc Trăng địch không còn đủ sức để cứu vãn tình thế nên buộc địch phải điều tiểu đoàn 422 từ Cà Mau về can viện. Nhận định đây là lực lượng được trang bị hoả lực mạnh, công sự vật cản dù hành quân dã ngoại nhưng địch cũng triển khai rất kiên cố. Muốn đánh được, ta phải kéo địch theo đúng ý định của ta. Tiểu đoàn Phú Lợi phối hợp cùng địa phương quân và du kích địa phương tổ chức một bộ phận nhỏ chặn đánh địch, sau đó rút quân làm cho địch bị cuốn theo ý đồ của ta, tới ấp Hoà Trung thì địch co cụm lại, đúng như phương án ta đã xác định. Tiểu đoàn Phú Lợi được tăng cường đại đội 368 và một bộ phận của c 602 cùng du kích địa phương tập kích tiêu diệt địch. Đại đội 71 đánh chính diện vào Ban chỉ huy tiểu đoàn địch, đại đội 75 đánh từ hướng bắc xuống, đại đội 74 đánh từ hướng tây nam lên, riêng đại đội 368 được tăng cường 1 tiểu đội của 602 và du kích địa phương đánh từ hướng đông vào. 24 giờ 30, bộ phận đi đầu của đại đội 368 bị lộ do vướng mìn, không để địch chiếm thế chủ động, đơn vị đồng loại nổ súng xung phong. Đại đội 71 và 75 đánh chiếm mục tiêu đã xác định , đại đội 368 dũng mãnh xông lên, tiêu diệt lần lượt các mục tiêu được phân công, sau đó vượt kênh tiêu diệt luôn BCH tiểu đoàn 422. Sau 20 phút anh dũng chiến đấu, ta làm chủ hoàn toàn trận địa.
Kết quả, ta tiêu diệt toàn bộ một đại đội, đánh thiệt hại nặng 2 đại đội, bắt sống 01 trung đội địch, thu nhiều súng đạn và đồ dùng quân sự, xoá sổ phiên hiệu tiểu đoàn 422 ngụy. Về ta trong trận này hy sinh 6 đồng chí và bị thương 2 đồng chí. Cũng sau trận này, địch không còn khả năng cơ động tăng viện, buộc phải rút hoàn toàn lực lượng ra khỏi khu căn cứ rừng tràm Mỹ Phước. Kế hoạch “đại phong”, của địch hoàn toàn bị phá sản, căn cứ Tỉnh uỷ được bảo vệ an toàn.
Chiến thắng Rạch Gò và các trận hậu Rạch Gò đã thể hiện tinh thần dám đánh, quyết đánh và quyết thắng của quân và dân Sóc Trăng nói chung, lực lượng vũ trang tỉnh nói riêng. Từ chỗ mất đất, mất dân, mất cơ sở, sau chiến thắng Rạch Gò và các chiến thắng hậu Rạch Gò, LLVT các địa phương trong tỉnh đã lần lượt bứt rút nhiều đồn bót, cơ sở được xây dựng, củng cố, căn cứ được bảo toàn, tạo nên thế và lực mới cho cách mạng. Chiến lược “Việt Nam hoá chiến tranh” của địch ở Sóc Trăng bị phá sản. Đây là cơ sở để quân và dân Sóc Trăng củng cố lực lượng, tăng cường sức mạnh để cùng với quân và dân cả nước làm lên chiến thắng lịch sử 30/4/1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước.
Bùi Mạnh Điệp